Đánh giá của các bên có liên quan Hiệp định sơ bộ Pháp – Việt (1946)

Sau khi ký Hiệp định sơ bộ, trong cuộc mitting ngày 7/3/1946, Hồ Chí Minh giải thích về việc ký kết hiệp định "Chúng ta trên thực tế đã độc lập từ tháng 8/1945, nhưng cho đến nay chưa có cường quốc nào công nhận độc lập của chúng ta. Bản hiệp định ký với nước Pháp này mở đường cho sự công nhận của quốc tế. Bản hiệp định sẽ dẫn chúng ta đến một vị trí quốc tế ngày càng vững vàng và đó là một thắng lợi chính trị lớn lao. Quân đội Pháp sẽ đến theo lệnh của các nước Đồng Minh. Họ chỉ có 15000 người và chỉ ở lại trong 5 năm nữa, sau đó họ sẽ rút khỏi nước ta. Chọn thương lượng thay vì đánh nhau chính là bằng chứng hiểu biết về chính trị. Thực vậy, vì sao lại đi hy sinh 50 hoặc 100 ngàn người trong khi chúng ta có khả năng bằng con đường thương lượng mà đi đến độc lập có thể trong 5 năm". Còn Võ Nguyên Giáp phân tích "Những người không thỏa mãn chỉ hiểu độc lập hoàn toàn như một khẩu hiệu, một nhật lệnh, trên giấy tờ hoặc ngoài cửa miệng. Họ không thấy rằng độc lập của đất nước là kết quả của những điều kiện khách quan và trong cuộc chiến đấu giành độc lập của chúng ta, phải biết cương nhu tùy lúc... Chúng ta đã chọn con đường thương lượng nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi cho công cuộc đấu tranh giành độc lập hoàn toàn, nhằm có thể đợi chờ cơ hội đi đến một nền độc lập nguyên vẹn".[17] Ngày 12/3/1946, bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Tường Tam tuyên bố "Trung Quốc và Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ cho hòa bình ở Viễn Đông... Trong lúc chờ đợi nước Pháp và nước Việt Nam lập lại được một nền hòa bình vững chắc, nước Mỹ phải giúp đỡ chúng ta về mọi phương diện hoàn toàn như Trung Quốc"[18].

Võ Nguyên Giáp cho rằng Hiệp định sơ bộ cũng giống Hòa ước Brest-Litovsk (năm 1918) giữa Đế quốc Đức và nước Nga Xô viết. Ông cho hay thỏa ước ngừng bắn này với Đức đã dừng được cuộc xâm lấn của Đức vào Nga, nhờ đó mà những người Xô viết đã củng cố lực lượng quân đội và chính quyền của mình. Theo Võ Nguyên Giáp, Hiệp định Sơ bộ là nhằm bảo vệ và củng cố được vị thế về chính trị, quân sự và kinh tế của Việt Nam và để chuẩn bị lực lượng kháng chiến, do Việt Nam chưa sẵn sàng về binh lực cho cho một cuộc kháng chiến lâu dài với Pháp. Đối với những ý kiến phê phán bản Hiệp định sơ bộ không chứa đựng từ “độc lập”, ông Giáp cho rằng những người phản đối không nhận thấy rằng độc lập của một quốc gia là kết quả của các điều kiện khách quan, và trong cuộc đấu tranh để giành độc lập toàn vẹn, phong trào giành độc lập phải biết ứng biến theo tình hình, sẽ có những thời điểm phải cứng rắn và những thời điểm thì lại phải mềm dẻo.

Về phần Hồ Chí Minh, ông đã chỉ ra một thực tế rằng dù Việt Nam giành được độc lập từ tháng 8/1945, nhưng chưa có nước nào xác lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hiệp định Sơ bộ sẽ mở đường cho sự công nhận quốc tế, đồng thời hạn chế lực lượng của Pháp ở Việt Nam ở mức 15 ngàn quân, với thời hạn là 5 năm. Như vậy Việt Nam có thể giành độc lập từng bước không cần đổ máu. Đồng thời ông cũng tuyên bố: "Tôi, Hồ Chí Minh, đã cùng với đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước".[19]

Về phía Cao ủy Pháp, Đô đốc d’Argenlieu và những người theo chủ trương của Thống chế de Gaulle – phe chủ chiến, Hiệp định này được coi như "Hiệp ước Munich của Pháp". Họ không thực tâm muốn hòa bình mà chỉ coi bản Hiệp ước là một bước lấn tới (điều quân Pháp ra miền Bắc), rồi sau đó sẽ sử dụng sức mạnh vũ trang để tái chiếm Việt Nam làm thuộc địa.